(Sau đây là bản dịch (UTF-8 encoding) bài bình luận ``There's No Such Thing As Free Trade'' đăng trên nhật báo Chicago Tribune June 20, 2003.)

Chẳng có mậu dịch tự do

Huyen Pham và Van Pham
Columbia, Missouri

Những người chủ trương tự do mậu dịch thường nhắc:  ``chẳng hề có bữa ăn miễn phí'' (there is no such thing as a free lunch).  Nay lại đến từ chỗ tự do nhất trong các kinh tế thị trường một miếng khôn khác:  ``chẳng hề có tự do mậu dịch'' (there is no such thing as free trade).  Đó là bài học cho Việt Nam, từ khi đạt được liên hệ mậu dịch bình thường với Hoa Kỳ được hơn một năm nay, đã thấy hàng xuất cảng bị ngăn chặn bằng tất cả khí cụ bảo vệ thị trường có được.

Ngăn chặn gần đây nhất là phán quyết của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (BTM) cách đây vài hôm cho cá trê của Việt Nam.  BTM cho rằng Việt Nam đã bán phá giá (dump) cá trê trong thị trường Mỹ bằng cách ra giá bán đến 64% thấp hơn phí tổn tạo thành.  Như chúng tôi đã cho thấy trong bài trước (San Diego Union-Tribune 2/25/03, và Asia Times, 2/22/2003), để tin lập luận của BTM buộc ta phải tin rằng người Việt phải tiêu gần nửa số lương của mình để mua cùng cá trê đó ở Việt Nam hoặc tin rằng chính quyền Việt Nam phải bao cấp một nửa số lương của những người Việt nuôi cá trê – một bao cấp phải nhiều hơn chính quyền chi cho y tế đến 70 lần.

Để đạt đến những kết luận khó tin đó đòi hỏi sáng tạo trong phương thức kế toán.  Bởi không có lý lẽ mà giá bán cá trê của Việt Nam thấp hơn giá thành, BTM đã phải dùng dữ kiện của các quốc gia khác để đưa đến giá thành sản suất cao hơn cho Việt Nam để đỡ cho biện luận phá giá.  Trước tiên, Ấn Độ đã được dùng làm quốc gia so sánh, nơi giá nhân công cao gấp ba lần bên Việt Nam.  Sau đó, BTM dùng dữ kiện từ Bangladesh.  Và để đưa đến phán quyết cuối cùng, BTM đã so sánh sản xuất cá trê ở Việt Nam với công nghiệp sản xuất luyện thép của nước Nga.  Cái tiến trình thì quá vặn vẹo và đã cho ra những kết luận vô lý làm lung lay sự tin tưởng cho cả những ai muốn sẵn sàng tin là luật chống phá giá cần để thực sự bảo tồn công bình trong mậu dịch.

Phán quyết phá giá đã theo sau các biện pháp bảo vệ công nghiệp khác: một thể lệ đòi hỏi nhãn b́ cho rằng cá trê Việt Nam không “thực sự” là giống cá trê nên phải bán như là một giống nào khác và thêm điều tráo trở nói rằng cá trê Việt Nam bị nhiễm chất độc Mầu Cam (hoàn toàn không cơ sở) còn sót lại từ cuộc chiến.

Người Việt Nam lại được dậy thêm bài học về ``mậu dịch tự do'' nữa hai tháng trước đây khi Hoa Kỳ đặt để giới hạn khắt khe chỉ số hàng sợi dệt nhập cảng từ Việt Nam, tuyên bố rằng những hàng nhập này gây thiệt hại đến các công ty sản xuất nội địa.  Bằng chứng chính Hoa Kỳ nêu ra là mức tăng của hàng nhập từ Việt Nam hơn 1700% từ năm 2001 đến 2002.  Nhưng đây lại cũng là hỏa mù nữa.  Sở dĩ mức tăng cao như vậy vì hàng nhập từ Việt Nam năm 2001 dường như không có: chỉ có 48 triệu trong 63 tỉ Mỹ Kim của tổng số hàng sợi dệt nhập vào Mỹ.  Kể cả sau số tăng 1700%, hàng sợi dệt nhập từ Việt Nam chỉ chiếm dưới 1 phần trăm thị trường của Mỹ.  Để nói rằng hàng nhập từ Việt Nam đe dọa những công ty sản xuất nội địa cũng giống như nói rằng mấy đứa trẻ bán nước chanh ở góc đường đe dọa sự tồn tại của Coke và Pepsi.

Nhưng điều khó hiểu nhất là, theo Ủy Ban Mậu Dịch Quốc Tế của Hoa Kỳ, từ năm 2001 đến 2002, tổng số hàng sợi dệt nhập vào Mỹ thực sự thụt giảm!  Lượng tăng từ Việt Nam được hơn là cân bằng với số giảm của hàng nhập từ Bangladesh, Costa Rica, Hong Kong, Pakistan và Taiwan.  Những tuyên bố rằng sản xuất nội địa bi thiệt hại bởi hàng sợi dệt từ Việt Nam ít ra cũng là sai lầm.

Trong thực tế, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm của thế giới.  Điều này cho chúng ta quyền hành rộng răi để làm ra, để giải thích cũng như để buộc thi hành luật lệ mậu dịch.  Nhưng quyền hành đi kèm với trách nhiệm phải công bình.  Rũ bỏ trách nhiệm này không những chỉ khiến những tuyên ngôn cho tự do mậu dịch không đáng tin, nhưng còn khiến cho những kêu gọi cho các nguyên tắc căn bản như dân chủ và nhân quyền cũng rỗng tuếch.  Chúng ta nên nhớ rằng, như bữa ăn trong tục ngữ, sự tín nhiệm cũng chẳng miễn phí.